Nhung lo lang cua cac me bau 1Bên cạnh niềm vui, hạnh phúc sắp được làm mẹ, các thai phụ vẫn còn không ít băn khoăn, lo lắng chưa có lời giải đáp.

Qua tư vấn của bác sĩ Hoa Hồng, “Bầu” sẽ giúp bạn đi tìm chìa khóa nhằm tháo gỡ những vấn đề này.

1. Ít cảm nhận thai nhi đạp:

Đây là tâm trạng của khá nhiều bà bầu, nhất là những người lần đầu làm mẹ. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng vì lần đầu có bầu, phải đến 18 – 20 tuần, bạn mới cảm nhận được những cử động của thai nhi. Mang thai lần hai, việc cảm nhận này sớm sẽ hơn, từ tuần thứ 16 hoặc 17. Mỗi người có sự cảm nhận khác nhau nên trong thời gian đầu của ba tháng giữa thai kỳ, có thể bạn thấy thai máy không thường xuyên, có ngày máy nhiều, có ngày ít. Mặt khác, môi trường trong bụng mẹ rất chật hẹp nên việc thai ít “vận động” cũng là bình thường. Trong vòng 8 – 10 tiếng mỗi ngày, không cảm nhận được em bé đạp, bạn hãy nằm xuống hít sâu thư giãn và ấn nhẹ vào bao tử để kích thích. Nếu thai vẫn nằm im, bạn cần gặp bác sĩ ngay. Trường hợp không thấy thai nhi chuyển động và có các triệu chứng như nôn mửa, chảy máu âm đạo, co thắt tử cung…, bạn cũng nên đi thăm khám.

2. Không thấy tăng cân:

Không những không tăng cân mà rất nhiều thai phụ bị giảm cân trong 3 tháng đầu mang thai. Hiện tượng này là do sự thay đổi nội tiết, dẫn tới ốm nghén, gây buồn nôn, khó ăn hoặc không ăn được, khiến nhiều bà bầu bị giảm cân. Tuy nhiên, thai nhi vẫn phát triển và tiếp tục lớn lên nhờ nguồn dinh dưỡng dự trữ. Từ tháng thứ 5, nếu vẫn không tăng cân thì bạn nên xem lại chế độ dinh dưỡng của mình. Lúc này, nguồn dinh dưỡng dự trữ trong mẹ đã cạn kiệt và em bé sẽ phát triển kém nếu không đủ dưỡng chất. Do vậy, bạn cần bổ sung dinh dưỡng với những bữa ăn đầy đủ đạm (protein), chất béo (lipit), tinh bột (gluxit), chất xơ (xenlulo), các vitamin cần thiết và chất khoáng. Nếu vẫn còn bị nghén, bạn có thể chia nhỏ bữa ăn hàng ngày để dễ ăn và hấp thụ tốt hơn.

3. Trên bụng xuất hiện một đường nâu dài:

Chắc hẳn, không ít bà bầu có cảm giác ngạc nhiên, bất an khi thấy có một đường sọc nâu sẫm trên bụng chạy dài xuống xương mu, nhất là nó ngày càng đậm hơn lúc thai nhi to lên. Đây là một hiện tượng hết sức bình thường, được sinh ra do các hormone ảnh hưởng đến sắc tố da khi mang thai và không hề ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn cũng như em bé nên bạn không phải bận tâm. Vạch nâu đó sẽ tự biến mất sau khi bạn sinh em bé. Những thai phụ không có đường vạch này cũng không có vấn đề gì.

Nhung lo lang cua cac me bau 2

4. Nách bị thâm hơn:

Đây cũng là một hiện tượng thường gặp ở các bà Bầu. Nó khiến nhiều người không dám nhìn hoặc hốt hoảng bởi vùng nách càng ngày càng xấu đi. Các bác sĩ da liễu khuyên chị em không nên lo lắng, đặc biệt, không được sử dụng bất kỳ loại thuốc hay hóa mỹ phẩm nào để làm trắng vì sẽ ảnh hưởng tới thai nhi. Bạn cần tắm rửa, vệ sinh vùng nách sạch sẽ hàng ngày là được. Sau sinh vài ba tháng, những vết thâm ấy sẽ tự biến mất. Muốn khắc phục nhằm giảm bớt tình trạng này, bạn có thể sử dụng quả chanh như sau: bôi nước chanh vào nách, để khoảng 10 phút rồi rửa sạch hoặc có thể cắt nửa quả chanh chà trực tiếp lên vùng nách, để ít phút rồi rửa sạch.

5. Dễ xúc động và “khó tính”:

Không quá chút nào khi có người đã ví von rằng, “khó tính như… bà bầu”. Đôi khi, bạn không hiểu tại sao mình lại thay đổi tính cách nhanh đến vậy. Bạn sẽ khó tính hơn, dễ cáu gắt, gây sự với người khác, dễ xúc động, nhạy cảm với những lời nói và hành động của bản thân cũng như của mọi người xung quanh. Mang thai, bạn có thể gặp rất nhiều những thay đổi đầy kịch tính của cảm xúc, thái độ trước cuộc sống. Nguyên nhân của các diễn biến cảm xúc trái chiều này, biến bạn thành người “khó tính” chính là sự thay đổi hormone trong thai kỳ. Tuy nhiên, bạn bạn vẫn có thể làm chủ cảm xúc của mình bằng những cách “xả stress” như đi shopping sắm đồ cho em bé, thư giãn, gặp gỡ bạn bè hoặc làm một việc gì đó mà mình muốn…

6. Rậm rạp… “violong”:

Không ít người sẽ băn khoăn và lo lắng bởi chẳng hiểu mình bị bệnh gì mà tự nhiên những vùng nhạy cảm như nách, bụng dưới, trên mép, dưới cằm… lại mọc rất nhiều long. Hiện tượng này cũng do quá trình thay đổi hàm lượng hormone trong cơ thể. Sự tăng nồng độ cortisone cùng các hormone do nhau thai bài tiết đã kích thích tuần hoàn máu tới các nang lông. Nó cũng sẽ giảm ngay sau khi bạn sinh em bé. Nếu thấy bất tiện, bạn có thể sử dụng phương pháp… cạo lông. Biện pháp này an toàn cho bạn và thai nhi vì không sử dụng mĩ phẩm hay điện, laser. Nhưng lưu ý, nếu bạn “xử lý” nhiều lần, sẽ càng khiến lông mọc nhanh, nhiều và cứng hơn.

Bài liên quan

Những lo lắng của các mẹ bầu

Leave a comment